Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

BÓNG MÙA XUÂN

Dường như xuân mới vừa quay lại
đủ rắc vàng hoa trên lối xưa
khói sóng còn mờ trên bến bãi
chân mây con én đã quay về

xa chưa khuất bóng mùa thu muộn
gió đuổi tàn phai qua gối chăn
người có về không đêm đã lụn
trôi xuôi lầm lỡ nửa vầng trăng

bụi phấn trên màu năm tháng cũ
nhuộm vừa đủ trắng tuổi thơ ngây
mưa đông lay lắt vùng muông thú
rụng xuống màu xanh nỗi nhớ bầy

người có cùng ta chung chén rượu ?
một đời đau xót chuyện ra đi
mùa xuân có phải như hằng hữu
giấu kín thời gian một tiếc chi

tưởng như men đắng trên đầu lưởi
chiếc bánh vuông tròn bỗng nhớ nhau
trời rắc chút tình nghe mát rượi
chùm hoa ngơ ngác nở muôn màu

mạc phương đình




DẤU VẾT

em đi để lại nụ cười
cho ta còn mãi một trời tương tư
mấy dòng mực tím, tờ thư
đôi câu thơ cũ buồn như nỗi buồn
căn phòng nhỏ ắp đầy hương
tóc trên chiếc gối sợi vương ngắn dài
mặt trời rọi xuống ngàn mai
tưởng em đùa với nắng ngoài mái hiên

trong gương còn mắt em hiền
vết son còn đọng giữa miền vai xưa
âm ba một thuở vui đùa
hay cơn sóng nhỏ bốn mùa gối chăn
song khuya trăng cũng ngại ngần
gió len nếp áo thanh tân gập ghềnh
tiếng cười treo giữa bình minh
vòng tay quấn quít mắt tình trong veo
chợt như ngọn lá bay vèo
nụ hôn buổi sáng vừa treo mắt đầy

vẫn còn, vẫn còn quanh đây
nụ cười em với tháng ngày dễ thương.

mạc phương đình




CHO MỘT NỤ CƯỜI

cám ơn em buổi chiều qua đó
gởi nụ cười sau liếp cửa che
con sáo bay mang câu hát dạo
ta chào em mượn lối đi về

chiều nắng nhạt lòng chưa đủ ấm
bước chân qua ngày tháng đầy buồn
khói nhà ai ngõ xa vương vấn
còn chút gì gởi nhớ gởi thương

đường phiêu bạt theo dòng sương gió
tóc xanh xưa nay nhuốm bạc rồi
vừa bắt được nụ cười lạc xứ
đủ cho hồn xao xuyến em ơi

ba mươi năm thắp tình soi mộng
để bẽ bàng trong mỗi bước chân
ai hiểu được con tim bé nhỏ
dành cho em dù có muộn màng

đời vẫn đẹp trong dòng thác lũ
ta đem theo âu yếm nụ cười
khóe môi nhỏ ngọt ngào nhân ái
ngọn sóng tình réo khúc nhạc vui.
mạc phương đình


Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007

MỘT GÓC QUÊ HƯƠNG

tiếng chim hót trong khu vườn buổi sáng
giọng trong veo như tiếng chú chìa vôi
kìa, đúng nó, chú chim đen cánh trắng
chiếc đuôi dài theo nhịp múa không thôi
hình ảnh ấy khơi bao dòng kỷ niệm
về quê hương một thuở đã xa rời...

em áo trắng đang chăm vườn rau nhỏ
này muống xanh, cà tím, giậu mồng tơi
hàng ớt đỏ, luống hành, rau dấp cá
ơi Việt Nam yêu dấu ở đây rồi

ta đã gặp trong khu vườn xinh ấy
cả âm thanh, hình ảnh nhớ khôn nguôi
thời khốn khó với dãi dầu mưa nắng
áo bà ba ngày tháng đẫm mồ hôi
em vẫn đó, tóc thời gian nhuộm bạc
góc vườn kia, đấu vết thuở xa xôi
xin được vẽ góc quê hương ở đấy
niềm yêu thương bay bổng với mây trời

một góc quê hương có con chim nhỏ
chim xứ người sao giọng hót Việt Nam?

mạc phương đình

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

BUỔI SÁNG


trên cành, nắng đã thức
diu dàng như nỗi vui
con chim cất tiếng hót
nụ hoa vừa mỉm cười
khu vườn còn ngái ngủ
em ngồi, đọc thơ ai.

hương chén trà bằng hữu
thoảng một chút u hoài
ngập ngừng dòng kỷ niệm
ngập ngừng chiếc lá bay
dòng suối nào êm ái
dòng suối về sông đầy

thơ trôi vào tâm thức
ngọt ngào như sương mai
em trôi vào hạnh phúc
dĩ vãng và tương lai
quê hương cùng nỗi nhớ
trăm năm chưa tàn phai.



TAM KỲ PHỐ NHỎ

đã nhiều lúc mong trở về, ghé lại
thăm Tam Kỳ thành phố nhỏ của tôi
phố rất nhỏ nhưng mang đầy kỷ niệm
vẫn ngọt ngào trong nỗi nhớ khôn nguôi

đường Phan Chu Trinh dọc theo quốc lộ
phố trệt, lầu, lỏi chỏi đứng nhìn nhau
những bóng cây không đủ che ánh nắng
phía bên sông, đồng ruộng nhỏ xanh màu

ngõ Trần Cao Vân chạy lên Tiên Phước
ngôi trường xưa nằm lặng lẽ đằng sau
cây đa cổ vẫn lạnh lùng rũ bóng
nhìn tháng ngày nắng đổ với mưa mau

có mấy ngả ba rẽ lên rẽ xuống
này chợ Mai, cầu Cống với trường Tàu
quán bún bà Tề, hàng mì Lợi Ký
chắc bây giờ hương cũ chẳng còn đâu!

qua An Thổ vòng vèo lên cầu sắt
sông Tam Kỳ mấy đứa trẻ đi câu
ngang chợ bà Hòa về thăm phường Một
cảnh tiêu sơ lạnh lẽo chốn giang đầu

tôi đã ghé Tam Kỳ trong nỗi nhớ
phố tuy nghèo, sao chan chứa yêu thương
bé xinh xinh, chỉ có một con đường
mãi thao thiết tâm tình người viễn xứ.

mạc phương đình


Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

CHÚT TÌNH GỬI HUẾ


ba năm với Huế thời đi học
một mảnh tình con thật dễ thương
áo trắng theo em về Thượng tứ
đò ngang chung bến ngỡ quen đường
nhịp guốc Ðông ba chiều chúa nhật
nội thành rẽ lối ngõ hoang mang
ngắm nước dòng Hương tìm ánh mắt
xin chia một chút nắng sân trường
Ðồng khánh ai chờ trăng bến cũ
niềm riêngQuốc học dấu bâng khuâng
lặng giữ trăng thề hôn mái tóc
vùi chuông Thiên mụ gõ đêm sương
muốn hẹn nhưng lời không giám ngỏ
vời trông xa khuất bóng mây cuồng
lãng đãng chút tình mơ mộng ấy
dịu dàng như một sợi tơ trăng...
ba măm một thoáng buồn hư ảo
hỏi Huế còn ai nhớ đến chăng ?

mạc phương đình

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2007

PHỐ XƯA

chợt mưa chợt nắng đường dài
nắng mù phố bụi mưa phai ngõ lầy
Sai gòn lặng lẽ hàng cây
ngổn ngang cao ốc héo gầy ngọai ô
tìm người xưa, biết nơi mô
phố phường lạ hoắc bản đồ thay tên
khách xa ngơ ngác giật mình
khẩu trang che khuất mắt tình dễ thương
thôi em má đỏ môi hường
chen nhau giành tấc lòng đường ngược xuôi
ta về, váng vất buồn vui
xanh xao chút nhớ ngậm ngùi nỗi xưa.

mạc phương đình

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2007

NHỊP TÀU QUA

tàu gõ nhịp qua dòng nước lũ
vàng mênh mông cuồn cuộn phù sa
hàng cây cúi xuống trong cam chịu
nước ngẫng trồi lên những mái nhà

gió đẩy màn mưa qua lũng thấp
chân trời mờ mịt dấu đường qua
tàu đi từng nhịp trong mưa bão
dốc lũ bờ nghiêng nước vỡ òa

theo dãi trường sơn mưa trút xuống
quê nghèo lặn ngộp giữa phong ba
tàu đi như ngõ đời vô định
đau đớn lòng nhau nỗi ruột rà

nước mắt còn đâu cho khốn khó
gập ghềnh chia xẻ với phương xa
hỏi ai giầu có quên nhìn lại
say giữa giầu sang những lụa là

tàu gõ vào tim người mấy nhịp
bao giờ nhân nghĩa mới thăng hoa.

mạc phương đình


Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2007

NÀNG THƠ

Truyện ngắn của Cẩm An Sơn

Có lẽ sau một thời gian khá lâu, Phùng mới tĩnh lại, anh mở mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường. Lúc ấy khoảng một giờ sáng. Anh thầm đoán như thế vì chung quanh anh im ắng, chừng mọi người đang mê ngủ. Căn phòng nhỏ, chỉ có ba chiếc giường. Một chiếc anh đang nằm còn hai chiếc kia bỏ trống, anh nghĩ có lẽ đây là phòng hồi sức.
Buổi tối, khi Thông ghé lại nhà thăm, thấy Phùng nằm thiêm thiếp như đuối sức, Thông hỏi và anh chẳng trả lời được câu nào, nên Thông vội vàng gọi cyclo, bồng anh lên xe đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ trực cho thử máu và quyết định đưa lên bàn mổ. Lúc ấy Phùng tĩnh táo lại một chút, anh cho biết địa chỉ thân nhân ở xa và cầm lấy bút ký vào tờ giấy của bệnh viện. Cạnh anh chỉ có Thông, người bạn học cùng lớp ngày xưa ở Tam kỳ, và hiện nay đang dạy tại Trần quý Cáp, Hội an. Thông an ủi : “Mày yên tâm, tao sẽ báotin ngay cho gia đình”.
Phùng khẻ cựa mình, anh có cảm giác như tất cả mọi dây thần kinh trên người đều bị tê liệt. Anh cố thử nhắc cánh tay lên, nhưng không được, những ngón tay chỉ cử động được chút ít. Anh cố lắng nghe xem thử mình đã thực sự tĩnh lại chưa, tiếng tích tắc nho nhỏ của chiếc đồng hồ lọt vào tai, và anh nghe có tiếng kẹt cửa mở. Một cô y tá nhỏ nhắn với bộ đồng phục trắng gọn ghẽ lách vào, rồi cánh cửa cũng được nhẹ nhàng khép lại. Cô gái đến bên giường, khẻ nói :
- Anh tĩnh lại rồi.
- Cám ơn cô. Phùng thì thầm trong cổ họng.
- Em là Châu, cán sự điều dưỡng đang thực tập. Anh ráng ngủ một chút để hồi sức.
Cái giọng Huế nhỏ nhẹ, tròn trịa của cô gái có pha chút lo lắng chăm sóc làm Phùng cảm động. Anh nuốt ực viên thuốc nhỏ cô gái vừa bỏ vào miệng anh rồi nhắm mắt lại.Lồng ngực anh nặng nề, Phùng lại thiếp đi.
Buổi sáng Thông ghé vào thăm sớm, lúc đó Phùng đã được đưa qua phòng điều trị. Vốn là một công chức nên Phùng nằm ở một phòng nhỏ có bốn giưòng, cô gái tên Châu đã trở lại cùng với Thông, nàng nói :
- Phòng công chức mấy hôm nay không có bệnh nhân nên anh nằm đây đuợc yên tĩnh. Anh có thể nói chuyện với anh Thông, em phải về và chiều tối em sẽ trởû lại. Chín giờ sáng sẽ có Bác sĩ đến làm việc.
Châu gật đầu chào hai người rồi đi ra ngoaì. Thông cũng tỏ vẽ mừng rỡ thấy Phùng đã tươi tỉnh lại. Anh bảo :
- Đêm qua tao tưởng mày đi đứt luôn đó chứ. Thường nghe nói cái vụ mổ ruột thừa chỉ cần khoảng mươi lăm hai chục phút là xong, vậy mà hôm qua Bác sĩ Dương đã phải mổ gần hai tiếng mới xong, tao đứng chờ ở ngoài bắt nóng ruột. Mấy cô y tá cho biết khúc ruột thừa đã bễ ra, mũ bung trong ruột.
- Tao cứ tưởng đau bụng thường, nên uống liên tiếp mấy viên thuốc đau bụng. Cám ơn mày, số tao chưa chết nên gặp mày ghé thăm đưa đi cấp cứu đó chớ.
Thông về rồi, nằm một mình Phùng mới nghĩ đến Châu, cô cán sự điều dưỡng có khuôn mặt dễ thương. Anh cố nhớ lại những lời nói cùng cử chỉ của cô ta, dường như là một người đã quen biết. Cuối cùng rồi cũng đành chịu, không nhớ mình đã gặp cô ta ở đâu. Cho đến buổi tối khi cô ta trở lại phiên trực, anh mới hỏi và Châu đáp :
- Chắc anh quên em rồi, em là em anh Bình, Tôn thất Bình hồi xưa cùng học với anh ở Quốc học đó. Anh thường đến chơi với anh Bình nên em mới biết anh, hồi đó em còn nhỏ, mới học đệ lục Đồng Khánh.
- Hèn gì, anh nhớ em có nét quen quen.
Ở trong quê, nhận được điện tín của Thông gởi về, Cậu Tám- cậu ruột Phùng- cùng Thanh- nguời vợ chưa cưới của anh - vội ra thăm, ở lại hai hôm thấy tình trạng sức khoẻ của anh không đến nổi gì, nên gặp Bác sĩ cám ơn, xin săn sóc giúp, rồi trở về lại trong quê.
Vì vết mổ bị nhiễm trùng nên Phùng phải nằm điều trị ở bệnh viện suốt một tháng. Châu đã thường xuyên thay cho người y tá săn sóc cho anh thật tận tình. Phùng nhìn thấy trong đôi mắt nàng tình yêu đã nẩy nở. Anh nghĩ đến người vợ sắp cưới ở quê xa và thầm ái ngại trong lòng. Trong thâm sâu của lòng Phùng, anh vẫn yêu người vợ chưa cưới, một người bạn tình mà anh đã chọn và gìn giữ suốt nhiều năm qua, nhưng cùng lúc đó anh cũng tham lam muốn nhận sự săn sóc đầy âu yếm, vỗ về của người em gái bạn mình. Một buổi trưa, Châu kéo ghế lại ngồi sát bên đầu gìường của Phùng, dịu dàng cầm bàn tay anh và hỏi :
- Ông Cậu hôm trước ra thăm anh với cô nào vậy?
Phùng mĩm cười nửa đùa nửa thật :
- Vợ chưa cưới cuả anh đó, em thấy cô ta có đẹp bằng em không?
- Thật không đó, cô ta cũng dễ thương hí
.
Tuy Châu nói thế, nhưng nhìn vào mắt nàng Phùng nghĩ rằng Châu không tin anh nói thực. Sau này, khi đã ngồi bên nhau Châu thú nhận rằng nàng đã nghĩ đến anh từ thuở anh còn là bạn học với Bình, thường đàm đạo thơ văn, và nàng thì yêu những bài thơ tình nhẹ nhàng của thuở học trò mà anh đã viết.
Có lẽ đó là mối tình đầu của Châu, mối tình của người con gái xứ Huế nhiều mơ mộng. Nàng Tôn nữ đã đem tình yêu mình vào thơ văn, nàng viết thật nhiều trong nhật ký. Tình yêu nàng trong như gương, không một chút bợn nhơ nào, đã đưa đẩy Phùng tìm về những vần thơ thật dịu dàng. Những lần hẹn hò trên đồi Thiên An, hoặc đi chơi Cửa Thuận là những lúc Châu như đắm mình vào thơ. Tình yêu Châu là một thứ tình yêu kỳ diệu. Nàng đã cho Phùng mà không một lời đòi hỏi, nàng cũng hầu như không cần biết đến Thanh , người vợ đã cưới của Phùng. Khi Phùng đưa vợ ra sống ở Huế, Châu đã đến thăm Thanh như một người bạn. Hai người con gái nói chuyện với nhau trong một tình bạn hiền hòa.
Châu thường nói với Phùng :
- Anh có quyền yêu vợ, nhưng tình yêu trong thơ anh, phải là của riêng em.
Với Thanh, vợ Phùng cũng thật lạ, dường như giữa hai người con gái ấy có một niềm cảm thông đặc biệt nào đó, mà cho dù không nói với nhau họ vẫn tôn trọng lẫn nhau. Châu không tỏ ra hờn giận Thanh và Thanh cũng chẳng mảy may có chút ghen tương nào đối với người bạn gái của chồng mình. Nhiều lúc Châu đến nhà, bảo Thanh :
- Hôm nay chị để anh Phùng đi chơi Thuận an với em hí,
- Em cứ đi chơi đi, nhưng nhớ về sớm kẻo mưa nha.
Một ngày nào đó, hai người rũ nhau đi chơi ở Kim Long, Châu bỏ quên cuốn nhật ký tại nhà Phùng. Thanh đã nằm đọc suốt một buổi, về câu truyện Châu đã viết : “một cậu bé thường dùng nước xà phòng thổi lên làm bong bóng, một hôm nó đuổi theo một chiếc bong bóng lớn. Chiếc bong bóng long lanh đầy màu sắc in hình đưá bé, nhưng nó thấy hình nó kỳ lạ, mồm rộng mắt lớn, nó kinh hoảng cố đuổi theo để tìm cho ra nguyên cớ làm thay đổi hình thật của mình..Chiếc bóng cứ bay lơ lửng và đứa bé đuổi theo chiếc bóng suốt cuộc đời mình” Thanh chợt thấy nàng đã khóc.
Lúc Thanh có thai đứa con đầu lòng, bị thai hành, Châu đã đưa nàng vào bênh viện săn sóc suốt cả tuần lễ, khi Thanh lành mạnh trở về nhà, Châu đã mang đến tặng nàng một cuốn sách mới in xong, còn thơm mùi mực. Cuốn sách có cái nhan đề : “Người đuổi theo bong bóng” với tên tác giả “Phùng Châu”. Châu nói :
- Chị mới có thai đứa con đầu, còn đứa con em với anh Phùng đã ra chào đời rồi. Mong chị đừng buồn.
Bỗng nhiên sau đó Châu bỏ Huế đi biệt tăm.
Khoảng bốn năm năm sau Châu lại trở về. Nàng đẹp rực rỡ. Châu lấy chồng, một ông giáo trường làng ở La Chữ, lớn hơn nàng mười tuổi. Trước ngày lên kiệu hoa, Châu ôm tập nhật ký khoảng mười mấy cuốn, đến nhà Phùng, đem ra góc sân vừa đốt vừa khóc.

CẨM AN SƠN

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2007

ĐÔI CÁNH THƠ BAY

đôi cánh mỏng thơ bay qua ngày tháng
gửi về nhau những hò hẹn xa xăm
này thao thức con chim nào lẻ bạn
tiếng kêu thương trong đêm tối âm thầm

nghe huyền hoặc tình yêu không có tuổi
nhịp tim ai trong một thoáng bồi hồi
khôn ngoan bỗng trở nên lòng mê muội
để ngọt ngào mang dấu ái lên ngôi

ôi choáng váng tình yêu không hiểu được
tưởng xa xăm nhưng sao lại thật gần
nguồn hạnh phúc dạt dào như biển nước
người yêu người không gợn chút phân vân

để từ đó mang nỗi chờ nỗi đợi
những dòng thơ ướt đẫm cả yêu thương
bao nhung nhớ thêm mênh mông vời vợi
cánh thơ bay qua chấp chới vô thường.

mạc phương đình

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2007

DÒNG TRÔI


ta về nghe mưa trên cây trứng cá
tìm chút buồn vui của thuở học trò
ngủ giữa quê hương sao lòng vẫn lạ
người đuổi qua đời hoa nắng thơm tho

ngẫng mặt lên nhìn, dấu ngày tàn tạ
cúi xuống buổi chiều vớt nỗi bâng khuâng
em ơi mây nước là đâu nhỉ ?
câu hỏi thềm xưa đã lụi tàn
ta hỏi một mình đêm tịch mịch
thôi đành mơ mộng bóng quan san
cuối thu nắng nhuộm chiều thoi thóp
trường cũ người xưa, giấu hợp tan
tiếng trống giật lùi từng bước nhỏ
dòng trôi nhịp guốc cũng mơ màng.

mạc phương đình