Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Tôi đang "đâm đầu" vào mối tình với gã sở khanh

Những người xung quanh thì nói tôi đa nghi quá!

Xin chào các bạn độc giả,
Tôi năm nay 25 tuổi, được sinh ra và lớn trên trong môi trường giáo dục đàng hoàng, tử tế. Tôi sống ở thành phố từ lúc còn nhỏ và được ba mẹ cho ăn học đến Đại học. Hiện thì tôi chỉ làm nhân viên văn phòng cho công ty ở thành phố, đồng lương không cao lắm nhưng cũng đủ để trang trải.
Tôi đã từng yêu suốt quãng thời gian còn học Đại học, nhưng khi ra trường, vì lý do công việc mà chúng tôi chia tay nhau. Tuy thời gian cũng qua gần 2 năm rồi, nhưng đôi khi, tôi vẫn nhớ đến người ấy. Quãng thời gian sau đó, tôi cũng có tìm hiểu người khác nhưng tôi thấy không tin tưởng nên cũng không đến với nhau. Lần này thì tôi bị rung động trước anh ta, một người cùng quê với tôi và chúng tôi quen nhau qua mạng xã hội.

Anh lớn hơn tôi 4 tuổi và cũng có công việc ổn định. Chúng tôi tìm hiểu nhau được 1 tháng rồi. Tôi cũng đã nghĩ người này sẽ là người chồng tốt. Chúng tôi hẹn gặp nhau một lần. Cuộc nói chuyện cũng rất thoải mái, tự nhiên, anh cũng ra vẻ là người lớn, hỏi thăm và muốn xin được tìm hiểu tôi và về xin phép gia đình.
Vậy mà, ngay những ngày sau đó, việc nhắn tin, gọi điện cũng thưa dần. Anh lúc nào cũng nói bận công việc, vậy mà facebook thì luôn sáng nick. Tôi theo dõi hoạt động của anh thì thấy anh toàn kết bạn với nữ giới là chủ yếu. Tôi đã nói bóng nói gió cho anh hiểu, vậy mà anh nói không có. Lòng tự trọng của tôi cao lên, tôi không tự nhắn tin cho anh nữa trừ khi anh hỏi thăm tôi.
Vậy đó, sau khoảng 1 tuần tôi không liên lạc nhiều là anh cũng làm lơ luôn. Thế mà lúc nói chuyện thì anh luôn tính đường lâu dài của 2 đứa cứ như quen lâu lắm. Nếu nói tôi yêu thì chưa hẳn, chỉ là rung động thôi, nhưng mà khi không liên lạc thì vẫn thấy nhớ. Tôi chợt nghĩ rằng anh là 1 người sở khanh, quen một lúc nhiều người để lựa chọn, hay trêu đùa. Tôi cảm thấy không còn tin vào đàn ông bây giờ nữa... Mong độc giả cho ý kiến, tôi nghĩ vậy có đúng không? Tại những người xung quanh thì nói tôi đa nghi quá, phải mở lòng ra thì mới đón nhận được.

Người yêu quá ích kỉ khiến em luôn mệt mỏi

Anh ấy cấm đoán em đủ mọi thứ khiến em rất mệt mỏi...

Em và anh ấy đã yêu nhau được 7 tháng rồi, nhưng anh ấy hay la em lắm. Trước lúc quen nhau, anh ấy có nói: "Anh có tính ích kỷ lắm đó". Lúc đầu, 2 đứa quen nhau hạnh phúc lắm, nhưng em làm chuyện gì mà không đúng như anh ấy muốn là anh ấy cứ lên giọng với em. Em vẫn nhường anh ấy, em nghĩ chắc anh ấy làm như vậy là đúng.
Đôi lúc, em hay nói chuyện với thằng em học chung lớp, nhưng anh ấy không thích và nói với em là: "Anh cấm em nói chuyện với thằng đó, nếu em mà còn nói chuyện thì đừng có nói chuyện với anh nữa". Em vẫn im lặng và đồng ý. Rồi sau này, khi anh vô tình thấy em nói chuyện với thằng em đó, cho dù em chỉ nói có 1 câu thôi, vậy mà nguyên bữa đó anh ấy giận em. Về nhà, em cũng có năn nỉ, rồi anh ấy cũng bỏ qua, nhưng càng về sau anh ấy lại càng cấm em nói chuyện với tất cả các thằng con trai khác, kể cả anh em họ hàng của em, rồi còn cả 1 đứa bạn les của em nữa... Nhưng em đã chấp nhận tất cả và đồng ý tất cả!

Bỏ thi tốt nghiệp để rồi hối hận cả cuộc đời

Đừng vì bất cứ điều gì mà hành động dại dột như anh bởi sau này các em sẽ phải hối hận đấy!

Trước đây, quan hệ trong gia đình tôi chẳng có gì tốt đẹp. Dù tôi là con một nhưng chẳng sung sướng gì. Đáng lẽ ra, những đứa trẻ khác là con một đều được hưởng trọn tình yêu thương, sự quan tâm từ bố mẹ chúng, nhưng tôi thì ngược lại. Trong mắt hai người ấy, tôi dường như không tồn tại. Nuôi tôi đối với họ chỉ là trách nhiệm thôi thì phải.
Từ lúc còn nhỏ, tôi đã luôn phải chứng kiến cảnh bố mẹ lục đục, cãi nhau, bố say rượu, đánh mẹ, mẹ bỏ nhà về bên ngoại… Những chuyện ấy cứ lặp đi lặp lại như một thói quen, đến mức tôi cảm thấy nó vô cùng quen thuộc nên khi bố mẹ hòa thuận được một thời gian dài hơn so với bình thường, tôi cứ lo sợ sẽ có những trận cãi vã to hơn thế sắp xảy ra.

Khi tôi bắt đầu học cấp 3, tình trạng của gia đình tôi càng trở nên tồi tệ. Chuyện bất hòa của bố mẹ bắt đầu bị cơ quan chính quyền can thiệp. Rồi mẹ tôi bỏ về ở hẳn bên ngoại, để mặc cho 2 bố con tôi ở lại với nhau.
Vì từ bé đến lớn tôi chẳng được ai quan tâm, dạy bảo nên chuyện học hành của tôi vô cùng kém cỏi. Lúc nào tôi cũng là một trong những đứa học dốt nhất lớp, rồi chửi bậy, rồi đánh nhau, bị giáo viên mời phụ huynh đến gặp… Sau mỗi lần như thế, tôi là ăn đòn vì tội “làm xấu mặt bố mẹ”, nhưng cũng chỉ một trận đòn ấy, xong mọi thứ lại như chưa có gì xảy ra, thế nên tôi vẫn “chứng nào tật nấy”.
Thật sự thì từ nhỏ cho tới tận khi học hết lớp 12, tôi vẫn chẳng có chút ý thức hay định hướng gì cho tương lai của mình. Tôi không nghĩ nhiều đến thế. Làm sao tôi có thể suy nghĩ chín chắn được như thế, khi mà bố mẹ thì như vậy, rồi không có ai dạy bảo, định hướng gì cho tôi cơ chứ? Cấp 3, tôi cũng chỉ học ở trường bổ túc. Ban đầu, tôi cũng đi học vì… chẳng biết làm gì khác, chứ thật ra lúc ấy tôi cảm thấy không muốn học, học hành với tôi chẳng mang lại tác dụng gì vì tôi học dốt mà. Mà chẳng qua là bố mẹ bắt tôi đi học, rồi mắng chửi tôi mỗi khi tôi bị điểm kém, bị nhà trường phạt… nên tôi mới cố đi.
Tới khi tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp thì quan hệ của bố mẹ rơi vào tình trạng không thể cứu vãn. Họ quyết định sẽ dẫn nhau ra tòa. Chưa dừng ở đó, họ vẫn suốt ngày cãi nhau, đùn đẩy nhau trách nhiệm đối với tôi vì lúc đó tôi chưa đủ 18 tuổi (tôi sinh cuối năm) và cũng chẳng biết làm gì để nuôi bản thân. Tôi cảm thấy vô cùng căm hận vì điều này. Khi nghe được chuyện đó, tôi đã bỏ nhà đi. Tôi cũng bỏ luôn cả kỳ thi tốt nghiệp để cho họ biết rằng đó là một sự trừng phạt với họ vì đã đối xử với tôi như thế.
Thế nhưng, việc làm của tôi thực sự chẳng có tác động gì với bố mẹ. Sau quyết định của tòa, bố mẹ tôi ly hôn, tôi sẽ đi theo bố. Trên giấy tờ và pháp lý thì như vậy, nhưng ông ta vẫn bỏ mặc tôi, nói rằng tôi đủ 18 tuổi rồi, tự đi làm mà nuôi thân đi. Sau đó, cả bố, cả mẹ tôi đều có gia đình mới.

Chẳng thế bấu víu vào ai nữa, tôi tự tìm đường mưu sinh cho mình. Cũng còn may là được hàng xóm thương tình, một bác làm nghề lái xe đường dài đã cho tôi đi theo làm phụ xe. Rồi sau này, khi tôi đã tự kiếm được chút tiền, bác khuyên tôi nên đi học lái xe để có một cái nghề, chứ chẳng thể theo bác làm phụ mãi như thế được.
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình hồi trước thật ngốc vì đã bỏ thi như vậy bởi làm thế thì người thiệt nhất chính là tôi. Tuy rằng tôi vẫn sống được, vẫn tự mưu sinh và nuôi được bản thân nhưng nó thật sự khó khăn hơn rất nhiều so với bạn bè cũng trang lứa. Bởi vậy, tôi muốn gửi lời khuyên tới tất cả các bạn trẻ, các em còn đang đi học: Đừng bao giờ đánh mất bất cứ cơ hội học tập nào của mình, đừng vì bất cứ điều gì mà hành động dại dột như anh bởi sau này các em sẽ phải hối hận đấy!
42
0

Có nên nhận lời đi nghỉ dài ngày cùng bạn trai mới yêu

Giờ mình rất bối rối, chẳng biết nên đi hay không nữa.

Mình vừa kết thúc năm học đầu tiên của đời sinh viên. Đây là một năm rất đặc biệt với mình. Nó không chỉ là bước ngoặt trên con đường học hành, là lần đầu tiên mình bước ra khỏi gia đình và sống cuộc sống tự lập, mà đó còn là thời gian mình bắt đầu mối tình đầu tiên.
Hồi mới nhập học, lúc đó còn lơ ngơ chưa biết gì, cũng chẳng có ai quen biết ở thành phố thì mình vô tình gặp lại anh T, một người bạn cũ của anh trai mình. Vì anh trai mình đã vào Nam lập nghiệp, lấy vợ và định cư luôn trong đó nên bạn bè của anh cũng mất liên lạc với anh. Gặp lại mình – cô em gái của người bạn cũ, anh T tỏ ra vui mừng lắm! Anh rối rít hỏi thăm mình, tình hình gia đình và anh trai mình nữa. Anh còn nói mình ở đây học nếu gặp khó khăn gì thì cứ alo cho anh, anh sẽ cố gắng giúp hết sức có thể vì anh đã học Đại học và đi làm ở đây khá lâu nên cũng rành mọi thứ hơn mình.

Trong thời gian đầu, khi mới lên thành phố học Đại học, có được 1 người anh luôn tận tình giúp đỡ, chỉ bảo như vậy quả thật là điều rất may mắn mà mình có được. Anh T cứ thỉnh thoảng lại qua chỗ mình thăm xem tình hình học hành và ăn ở của mình thế nào. Anh luôn căn dặn mình phải chú ý cẩn thận mọi thứ vì “ở thành phố này nhiều cạm bẫy lắm, không như ở quê mình đâu”. Anh dặn mình không được đi một mình ra ngoài vào buổi tối, ở trọ thì phải để đồ đạc cẩn thận, rồi kể cả đi làm thêm, anh cũng bảo mình phải hỏi ý kiến anh trước kẻo người ta lừa, rồi về sau, anh còn xin việc làm thêm cho mình nữa… Anh thật sự rất tốt với mình. Mình có cảm giác, anh quan tâm và lo lắng cho mình còn hơn cả anh trai mình ấy.
Cảm giác khi sống xa gia đình, có một người đồng hương, một người anh đối xử tốt với mình chẳng khác gì người nhà khiến mình hạnh phúc vô cùng. Trong lòng mình, mình vẫn rất tôn trọng và yêu quý anh. Nhưng mình thật sự không nghĩ tới chuyện mình sẽ yêu anh cho tới khi anh tỏ tình với mình. Lúc ấy, mình vừa ngạc nhiên, vừa bối rối, lại có chút gì đó hạnh phúc… Cảm giác khó tả lắm.
Sau đó, mình nhận lời làm bạn gái anh. Anh vẫn rất tốt với mình. Yêu anh rồi, mình càng cảm nhận được từ anh hình ảnh một người đàn ông chín chắn, biết quan tâm, chăm sóc cho người khác… Nhưng tất cả những gì mình biết về anh chỉ là sự quan tâm của anh dành cho mình, có hơn một chút thì chỉ là một vài lần anh đến nhà mình chơi khi anh học cùng lớp với anh trai mình, mà lúc đó thì mình chẳng có ấn tượng gì đặc biệt cả. Chuyện mình và anh yêu nhau, mình cũng chưa nói cho anh trai mình biết.

Mình vẫn yêu anh. Trong mắt mình, anh vẫn là một người đàn ông rất tốt. Nhưng thật lòng mà nói, mình không bao giờ tin 100% vào bất kỳ điều gì. Tính mình trước giờ đều rất thận trọng và lường trước mọi việc. Dù hiện tại, tình yêu của mình đều dành trọn cho anh, nhưng mình vẫn quyết không để chuyện gì đi quá giới hạn. Anh hình như hiểu được điều đó, và cũng có lẽ do anh là người rất chín chắn, cư xử đúng mực nên anh chưa bao giờ làm mình phải khó xử.
Hôm trước, khi mình vừa thi xong môn cuối, anh đưa mình đi ăn và đi chơi để xả stress. Anh cứ suốt ngày lấy lý do kiểu như vậy để đưa mình đi chơi cho mình bớt căng thẳng. Lúc đang ăn, anh ngỏ ý rủ mình đầu tháng 7 sẽ đi Phú Quốc cùng với anh. Chuyện là, công ty anh tổ chức đi du lịch cho toàn bộ nhân viên. Hầu hết mọi người đều dẫn gia đình theo, anh thì chưa lập gia đình, mà cũng ở xa bố mẹ và các em nên muốn mình đi cùng cho đỡ tủi, với lại để mình đi chơi cho biết. Anh cũng nói mình cứ thoải mái mà đi, vì chi phí được công ty tài trợ nhiều, phần còn lại anh sẽ lo hết.
Mọi thứ anh nói giống như là “thông báo” với mình thôi, giống như là mình chắc chắn sẽ đi vì đối với anh, chuyện đi du lịch cùng nhau thế này chẳng khác gì ngày thường bọn mình đi chơi, đi ăn với nhau. Lúc ấy, mình cũng không biết nói gì vì mình đột nhiên rất bối rối, thế mà anh lại cứ nghĩ là mình không phản đối và mặc định là mình sẽ đi.

Thật sự thì mình rất băn khoăn. Kể ra, hai người yêu nhau mà được đi du lịch xa cùng nhau như vậy thì sẽ rất vui và lãng mạn. Mình thấy người ta yêu nhau, đưa nhau đi hết nơi này đến nơi nọ, còn đi ra cả nước ngoài nữa, thấy hạnh phúc vô cùng. Lúc ấy, mình cũng mong được như vậy lắm. Thế nhưng bây giờ, khi mọi chuyện xảy đến với mình thì mình lại rất băn khoăn.
Cái bản tính cẩn thận, lo xa của mình lại được đà “phát tác”. Mình nghĩ tới bao nhiêu tình huống có thể xảy đến. Mình sợ khi đi cùng nhau như vậy, lại đi xa nữa, lỡ chẳng may có chuyện gì xảy ra thì sao? Nhiều khi hoàn cảnh đưa đẩy, chính bản thân mình cũng không thể điều khiển nổi mình nên có thể xảy ra chuyện không mong muốn lắm chứ. Mình chẳng quen ai ở công ty anh cả, đến đấy thì biết ăn ở thế nào? Họ đi cùng gia đình họ, thế có nghĩa là mình và anh cũng sẽ ở cùng phòng giống các gia đình khác á? Mà kể cả không có chuyện gì xảy ra, nhưng đồng nghiệp của anh sẽ nghĩ như thế nào về mình khi đi cùng người yêu như vậy?... Trong đầu mình đột nhiên hiện ra bao nhiêu là tình huống khó xử như vậy.
Giờ mình rất bối rối, chẳng biết nên đi hay không nữa. Mình cũng chưa nói gì với anh về suy nghĩ này của mình. Nếu từ chối đi, mình sẽ phải tìm cách nói với anh từ sớm và rất khéo léo kẻo anh lại giận mình. Các bạn hãy cho mình lời khuyên với, mình thật sự rất cần những góp ý của các bạn.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Ngày mạt vận của cô vợ đẹp..

Lấy được vợ đẹp, người chồng quá cưng chiều, không bắt vợ phải mó tay làm bất cứ việc gì. "Nhàn cư vi bất thiện", vì quá rảnh rỗi, người vợ sinh tật "nghiện" đỏ đen. Để rồi cũng chỉ sau một giấc ngủ, họ ngỡ ngàng nhận ra ngày mạt vận đã đến.

Mắc lỗi lầm vì... đẹp
Thời thanh nữ, Nguyễn Thị Nga (SN 1978, ngụ phố Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, Hà Nội) đẹp nhất nhì khu phố. Khi cô lên xe hoa năm 20 tuổi, nhiều thanh niên đã phải ngẩn ngơ tiếc rẻ, thầm ghen tị với anh chàng may mắn. Ngày Nga mới lấy chồng, nhiều người hàng phố không khỏi ngạc nhiên khi người đẹp như cô lại chọn một chàng trai không có gì nổi trội. Nhưng hơn một năm sau, họ đã phải thán phục sự sáng suốt của Nga.
Khởi đầu chỉ là nhân viên, đến khi vợ chồng đón đứa con gái đầu lòng, chồng Nga đã được cất nhắc lên vị trí phó giám đốc công ty. Thời điểm đó, nghề thiết kế quảng cáo rất ăn khách, trong khi các công ty chuyên về lĩnh vực này lại không nhiều. Có lẽ vì thiết kế đẹp, biết giữ uy tín, công ty của chồng Nga luôn nhận được những hợp đồng béo bở.
Cùng với sự phát triển của công ty, gia cảnh nhà Nga ngày càng phất lên như "diều gặp gió". Khoảng năm năm sau ngày cưới, khi đứa con trai thứ hai chào đời, vợ chồng cô đã mua được nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sang trọng. Có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ, chỉ vài năm sau đó, ngôi nhà hạnh phúc đã sụp đổ dưới một tay Nga.
Có lẽ sai lầm đầu tiên của người chồng là quá yêu chiều vợ mình. Cưới được người đẹp, anh "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Không chỉ không cho vợ đi làm, đến những việc như nội trợ, chăm con, anh cũng chẳng để Nga mó tay. Người chồng thuê liền hai người giúp việc, một chuyên làm việc nhà, một chuyên chăm sóc trẻ, để vợ không phải vất vả, sợ "hao mòn" nhan sắc.
Bao nhiêu tiền làm ra, anh còn đưa hết cho vợ "tay hòm chìa khóa", để vợ thoải mái mua sắm, tiêu pha. Nhìn sự chiều chuộng ấy, người dân phố tấm tắc bảo nhau: "Cái Nga lấy chồng sướng như bà hoàng".
Có điều, cổ nhân vẫn nói "nhàn cư vi bất thiện", tai họa đến chính từ cái sự "sướng như bà hoàng" ấy. Cả ngày không có việc gì làm, Nga thường xuyên tụ tập cùng một nhóm phụ nữ cũng rảnh rỗi như mình, hết đi mua sắm lại rủ nhau cà phê "chém gió".
Khi đã nhàm chán tất cả những việc đó, họ chuyển sang đánh bài giết thời gian, ban đầu chỉ được thua vài chục đến vài trăm nghìn. Tuy nhiên, với những người thiếu kiềm chế, mê cờ bạc cũng như cơn nghiện rượu, cơn phê ma túy. Càng chơi nhiều càng quen tay, thói đỏ đen chỉ có tăng chứ không thể giảm. Từ ý nghĩa chơi cho vui, dần dần, nhóm phụ nữ đã chuyển sang sát phạt thực sự, các canh bạc ăn thua vài triệu đến cả chục triệu đồng.
Sẵn tiền chồng đưa, Nga thoải mái vung ra trên chiếu bạc. Nguy hiểm hơn, ngoài bài lá, cô còn "nghiện" thêm cả các "môn đỏ đen" khác như lô đề, cá độ bóng đá. Chẳng mấy chốc, người đàn bà đẹp đã trở thành “con ma cờ bạc”.
Cả phố đều kinh hoàng trước sự thay đổi đến chóng mặt của Nga. Chỉ duy nhất một người không biết, đó là chồng cô. Cả ngày lăn lộn ở công ty, đêm tối về mệt mỏi ngủ vùi. Quá tin, quá yêu, người chồng không hề biết vợ mình đã hư hỏng đến mức nào.

Cô vợ xinh đẹp do "nhàn cư vi bất thiện" đã lao vào vòng xoáy đỏ đen để đến nổi mạt vận (ảnh minh họa)
Vỡ nợ đến không còn nhà mà ở
Giới đỏ đen có câu "cờ bạc đãi tay mới", Nga chính là trường hợp đó. Chơi lô đề, cô đánh đâu trúng đó. Cá độ bóng đá, cô "bắt" trận nào thắng trận đó. Dựa vào may mắn, lại sẵn tiềm lực kinh tế, cô còn chơi lớn và vô cùng liều mạng. Nga không ngại đánh lô đề theo kiểu "mắc màn ngủ quên". Đây là "tiếng lóng" mà giới đỏ đen dùng để chỉ những tay chơi có "lá gan cóc tía".
Ví dụ, ngày hôm nay, người chơi trúng một "số lô" được cả gốc lẫn lãi là một triệu đồng. Ngày hôm sau, người chơi sẽ dùng toàn bộ số tiền đó cược vào chính "số lô" đã trúng hôm trước. Thử tưởng tượng, số tiền được không phải là 1 triệu, mà là 10 triệu hoặc 100 triệu, mới có thể hiểu cách chơi đó không dành cho những người "yếu bóng vía".
Gặp vận đỏ, khoảng năm 2005, "mắc màn ngủ quên" trong liền 5 ngày, Nga thắng bạc lên tới gần 6 tỉ đồng. Giới cờ bạc trong khu vực rúng động, người dân phố nơi Nga sinh sống xôn xao bàn tán. Đến lúc này, Nga không thể giấu chồng được nữa.
Mà có lẽ, cô cũng chẳng cần phải giấu giếm. Người chồng lăn lộn kiếm tiền nhiều năm trời chưa chắc đã bằng vợ đánh bạc trong có... 5 ngày.
Không ai biết vợ chồng Nga đã nói với nhau những gì, chỉ thấy rằng họ cùng nhau đi mua ô tô tiền tỉ, rồi từ vị trí người chơi, Nga "nhảy phốc" lên làm chủ cờ bạc. Cô nhận hàng loạt bảng lô đề, thậm chí còn vươn tay kinh doanh cả mạng cá độ bóng đá.
Người chồng không đủ dũng khí để khuyên răn, trái lại, còn dần bị cuốn theo đam mê đỏ đen của vợ mình. Vị phó giám đốc chăm chỉ ngày nào giờ bỏ bê công việc, ngày ngày lái chiếc xế hộp đắt tiền, chở vợ đi thu tiền cờ bạc. Túi quần sau của anh luôn có tờ báo chuyên về thể thao, trên đó ghi đầy đủ tỉ lệ cá cược của nhiều trận bóng đá quốc tế. Chẳng mấy chốc, chồng Nga cũng trở thành con ma cờ bạc như vợ mình.
Chưa đầy một năm sau vụ thắng bạc tiền tỉ, vợ chồng Nga bắt đầu xuống dốc không phanh. Khi vận đen "gõ cửa", họ đụng đâu thua đó. "Ôm" lô đề, "ôm" mạng bóng đá, người chơi đều thắng liên tiếp. Thua hết tiền mặt, cay cú gỡ gạc, vợ chồng Nga liều mạng đi vay "tín dụng đen".
Lãi suất cắt cổ cộng với vận rủi không buông tha khiến của cải trong nhà họ dần dần "đội nón ra đi", sau xe hơi là các đồ đạc đắt tiền khác. Đến một ngày, căn nhà cũng phải bán theo hình thức gán nợ, trị giá gần 5 tỉ nhưng vợ chồng Nga chỉ được cầm về vài trăm triệu đồng.
Thua đến mức ấy, cặp đôi vẫn không thể tỉnh ngộ. Số tiền dù đủ để mua một ngôi nhà nhỏ ở những nơi xa trung tâm, tuy nhiên, họ dắt díu vợ chồng con cái đi thuê nhà, dành tiền tiếp tục thử vận đỏ đen. Vợ chồng thua hết số tiền còn lại, tay trắng trở về tay trắng.
Tệ hại hơn, người chồng vì sao nhãng công việc, đã bị công ty sa thải. Có lẽ vì chán nản, cùng quẫn, anh ta sinh thói nghiện rượu chè. Người chồng chăm chỉ, hiền lành, rất mực yêu vợ trước kia, đã trở thành con người khác. Mỗi lần say xỉn, anh ta đều về kiếm cớ chửi mắng, đánh đập Nga. Hạnh phúc đang bên bờ của sự tan vỡ.

Cú sốc của anh chồng già có vợ đẹp

Chị về hưu sớm, khi chưa đầy 50 tuổi. Đang từ một trưởng phòng năng động giờ quanh quẩn trong nhà, ra chợ, làm mấy việc nội trợ linh tinh, chị thấy hụt hẫng kinh khủng. Hai đứa con suốt ngày ở trường, về đến nhà là chui tọt vào phòng riêng, ngày nghỉ thì du hý với bạn bè. Anh, do tính chất công việc nên đi suốt, ít khi ở nhà, mà có ở nhà thì cũng ít chuyện trò, hơn 20 năm hôn nhân, biết hết cả chân tơ, kẽ tóc của nhau, có gì mà nói!.
Rảnh rỗi, chị lên Facebook, đầu tiên thì cũng thích thú với các mối quan hệ vừa ảo, vừa thực, sau dần cũng chán bởi đấy như cái chợ hỗn độn, khoe mình, tự sướng, đố kỵ, nhỏ nhoi, lặt vặt…đủ cả, chị bỏ không ngó ngàng đến nữa. Chị cũng không thích vũ trường ồn ào, tí tởn, cũng chẳng thích các câu lạc bộ sức khỏe, chủ yếu là những ông bà già đang cố chứng tỏ mình còn… xuân sắc.
Chị còn một sự giải trí đó là cái ti vi mà chị chỉ thích xem phim Hàn lâm ly gia cảnh, éo le tình ái. Song, do bị chồng con chê là “thị hiếu của các bà nội trợ” nên chị cũng bỏ nốt.

Một cái đáng ra phải tự hào nhưng chị lại thấy phiền là chị đẹp, trẻ trung hơn rất nhiều so với lứa tuổi sắp lên chức bà ngoại của chị. Chị biết rõ sức hấp dẫn nhan sắc viên mãn của mình nhưng chị cũng quá hiểu cánh đàn ông hiếu sắc, tính cách sở khanh, chị chẳng dại gì mà dây vào cái sự tình ái lằng nhằng, vui phút chốc mà lo dai dẳng, đánh mất sự yên ổn gia đình như chơi.
Ngay lần dự họp tổ dân phố đầu tiên chị đã để lại ấn tượng cho nhiều người, đặc biệt là ông Tổ trưởng dân phố. Ông này cũng hưu non như chị, nhưng phong độ thì chưa hưu. Ông thường lui tới nhà chị, việc “hàng tổng” thôi, khi thì thu tiền nọ, tiền kia, khi thì ủng hộ bão lụt, khi thì đưa bản cam kết này nọ… rồi khi thì chẳng có lý do gì cũng đến, hai người cùng cảnh hưu non tha hồ phung phí quỹ thời gian. Ông có ý định “xây dựng” hình mẫu “Gia đình văn hóa” tại nhà chị nên càng phải lui tới nhiều hơn.
Có một đợt tham quan kết hợp nghỉ dưỡng dành cho các cụ về hưu, ông vận động chị đi cùng. Thế là chị và ông đã có tuần trăng mật lãng mạn và trần tục, công khai mà kín đáo giữa sự đùm bọc thương yêu của những người cao tuổi. Chị cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa khi thấy mình quan trọng, ít nhất là đối với một người.
Rồi danh hiệu “Gia đình văn hóa” cũng đến. Chị được cử đi dự hội nghị từ phường đến quận, cả thành phố nữa, luôn có ông Tổ trưởng dân phố phong độ tháp tùng.
Sự việc chỉ vỡ lở khi bà vợ của ông này tố cáo đòi rút danh hiệu vẻ vang ấy ra khỏi gia đình chị, bà này quan niệm: “Không thể có thứ văn hóa cướp chồng người khác!”.
Dĩ nhiên là anh thoát khỏi tình trạng ngái ngủ hôn nhân bằng một cú sốc, muốn đập phá tất cả một trận cho hả giận. Song, sau một ngày đầu như muốn nổ tung, vùi mình trong phòng riêng, nghĩ lại anh thấy mình cũng có lỗi trong chuyện này, anh trách mình chủ quan, tin rằng vợ anh không bao giờ đánh đổi một hạnh phúc gia đình (dù tẻ nhạt) để đổi lấy niềm vui phù phiếm… Anh cũng không muốn gia đình xáo trộn bởi chuyện chưa phải quá lớn. Anh quyết định lặng lẽ đợi xem chị ứng xử ra sao với lỗi mà chị gây ra…

Cú sốc "mất tất cả" chỉ sau một đêm của người phụ nữ mang bầu 8 tháng

 Người phụ nữ bất hạnh và đầy vất vả ấy chính là chị P.T.T.H, 30 tuổi. Hiện chị sống cùng con trai nhỏ ở nhà bà ngoại và đang kinh doanh thiết bị y tế tại TP. Hưng Yên.

Lấy chồng 16 tháng, sau ngày chồng mất mới tá hỏa biết chồng có máu lô đề
 
Quen nhau qua 1 người anh họ của chồng (sau này) giới thiệu, khi đó T.H đang là giáo viên dạy hợp đồng ở một trường cấp 3 ngay sát nhà chồng. Chưa kể, nhà T.H trên thành phố cũng ngay gần cửa hàng bán thiết bị y tế của chồng nên họ nhanh chóng quen và yêu nhau.
 
Như bao cặp đôi khác, họ nên vợ nên chồng sau hơn 1 năm tìm hiểu: “Quen nhau hơn 1 năm thì chúng mình cưới. Thời gian yêu và cả sau khi cưới, anh vẫn rất quan tâm, chăm sóc mình cũng như đối xử tốt với bố mẹ, họ hàng bên nhà vợ. Vợ chồng mình sống tình cảm, nhiều người ngoài còn nói mình may mắn khi lấy được anh vì anh nhanh nhẹn, hoạt bát, đẹp người, tốt tính… Mình cũng rất tin tưởng anh ở đức tính này” - chị T.H nói. 
 
Và cũng bởi tin tưởng chồng hoàn toàn nên chị không hay biết anh ngấm ngầm chơi lô đề từ lúc nào. Theo lời chia sẻ của người vợ trẻ này thì trong quãng thời gian yêu nhau cũng như khi đã kết hôn, anh không hề có biểu hiện của một người mê cờ bạc, chơi lô đề: “Mình không hề biết điều kinh khủng ấy, không rõ vì chồng giấu quá giỏi hay vì mình quá tin tưởng chồng mà không nhận ra điều đó. Thậm chí khi có ai đó nói chuyện lô đề, anh còn bảo họ chơi làm gì, ăn làm sao được… Bạn bè của chồng cũng hoàn toàn bất ngờ khi biết anh như vậy. Có lần anh còn về quê nhờ mẹ chồng vay lãi ngày mà bà cũng không nói gì cho con dâu biết”.
 
Sự việc vỡ lở, T.H mới ngỡ ngàng biết chồng nghiện chơi đề là khi chị kiểm tra lại két sắt của gia đình và thấy trong kết trống rỗng. Nhưng thời điểm đó, người phụ nữ đang mang bầu tháng thứ 8 vẫn đinh ninh cho rằng đó chỉ là lần duy nhất anh dính vào trò "đỏ đen". Nào ngờ: “Khi mình thấy ở trong két không còn tiền nên có hỏi anh. Lúc này anh mới nói thật là trả nợ do chơi đề. Anh đã xin mình tha lỗi và hứa sẽ không chơi nữa. Anh bảo giờ còn nợ 50 triệu nữa. Anh xin mình nhờ bố mẹ đẻ vay cho anh 50 triệu để anh trả cho hết nợ rồi không bao giờ chơi nữa”.
 
Người vợ trẻ này kể cụ thể: “Lúc đó mình đang mang bầu nên cũng nói rõ ràng với anh đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng mình làm việc này. Nếu còn có lần thứ 2 anh tự giải quyết và mình không chấp nhận 1 người chồng như thế. Thế nhưng, ngày thứ 5 anh và  bố vợ đến ngân hàng rút tiền thì tối thứ 7 anh gặp tai nạn mất đột ngột”.


Chị P.T.T.H, 30 tuổi

Đang mang bầu tháng thứ 8, T.H vô cùng bàng hoàng khi chồng ra đi quá đột ngột. Đau đớn khi mất đi chỗ dựa trụ cột gia đình, T.H cho đến giờ vẫn không tin đó là sự thật. Không chỉ mất chồng, T.H còn phải đối mặt với những nỗi cơ cực khác: “Cuộc sống của mình đến tận lúc này nhiều khi mình cũng chẳng muốn tin đó là sự thật. Từ 1 giáo viên của 1 trường cấp 3, chồng bán dụng cụ y tế, thế rồi sau 1 đêm mình  mất tất cả, mất chồng, mất việc. Khi chồng mất cũng để lại cho mình 1 đống nợ nần. Điều mình hối tiếc nhất cho đến tận bây giờ là đã quá chắc chắn và tin tuyệt đối ở chồng. Anh hiền, tốt tính, quan tâm, chia sẻ nhưng mình không ngờ anh lại mê đánh đề. Lúc anh mất, cả nhà còn đang lo việc hậu sự cho anh thì những chủ nợ đã đánh tiếng đòi nợ mình. Những ngày sau đó, có nằm mơ mình cũng không tưởng tượng nổi cuộc đời mình lại cơ cực đến như vậy. Mình tưởng rằng đã không thể gượng dậy được”.
 
Cuộc sống điêu đứng vì mất chồng, mất việc và đối mặt với 1 đống nợ nần của bà mẹ đơn thân

Sau ngày chồng mất, trong đầu T.H lúc ấy và cả lúc này chỉ còn 2 chữ vì con: “Mình mang thai rất vất vả, nghén từ lúc mang bầu đến khi sinh, không ăn được gì. Con là món quà duy nhất mà ông trời đã ban cho mình. 20 ngày sau khi chồng mất, mình sinh con. Khi mình lên viện sinh con, nhà chồng không 1 ai vào viện thăm mình. Sau đó mình xin về nhà bố mẹ đẻ thì 5 ngày sau mẹ chồng chỉ chủ nợ đến nhà bố mẹ đẻ đòi tiền mình. Trong khi những khoản đó do mẹ chồng đi hỏi vay cho con trai bà - chồng mình".

Rồi cứ thế, hàng tháng chủ nợ cứ tìm đến chị mà đòi nợ. Và cũng chính vì bị "săn đuổi" ráo riết, chủ nợ tìm tới tận cơ quan để đòi nợ, ảnh hưởng tới công việc nên chị T.H phải xin nghỉ dạy ở trường. Một mình vất vả nuôi con, lại phải gồng thêm cả khoản nợ cho người chồng đã mất, chị T.H cố gắng vay mượn để trả 1 số khoản nợ của chồng để có thể yên ổn hơn mà duy trì việc kinh doanh của cửa hàng thiết bị y tế. "Những khoản mình đã trả cũng bằng tiền mở 1 cửa hàng mới mà vẫn chưa thấm vào đâu so với khoản tiền nợ anh ấy để lại cho mình” - T.H nói trong nước mắt.
 
Chồng mất, công việc mất, nợ nần chồng chất, cơ hội vào nhà nước làm với T.H cũng đóng chặt khiến bà mẹ 1 con này tưởng như không thể gượng dậy nổi: “Mình tưởng chừng đã không thể gượng dậy được nhưng vì con, vì bố mẹ mình đã cố gắng... Mình đã mất tất cả, cuộc sống bế tắc cùng cực và niềm hạnh phúc, hy vọng duy nhất lúc đó của mình chỉ là đứa con bé bỏng. Cũng vì con mà mình từng bước gượng dậy”.

Kể từ ngày chồng mất cho đến nay đã được 4 năm, T.H chưa một ngày được sống thảnh thơi: “Mình cứ tưởng anh đã trả hết nợ nhưng thực ra còn rất nhiều. Anh nợ từ chủ nợ cho vay lãi ngày đến cả những nơi là đối tác kinh doanh. Tiền đáng ra phải mang đi nhập những lô hàng mới thì anh thường xuyên nhập hàng chịu của bên cung cấp. Khách hàng lớn khi mua hàng cho cơ quan đáng ra là chuyển khoản, thì anh bắt họ phải trả bằng tiền mặt. Những số tiền đó anh đều đổ hết vào cơn mê đỏ đen của mình. Mẹ chồng sau này còn nói đã vay cho chồng mình những khoản vay ở ngân hàng và vay ngoài tổng cộng gần 300 triệu. Và cho đến giờ mình vẫn phải lăn lưng ra làm để trả nợ. Mình không dám làm phép tính cộng tỉ mỉ nhưng nhẩm ra những khoản anh nợ cũng gần 1 tỉ. Mẹ chồng nói là vay cho vợ chồng làm ăn thì bây giờ mình phải trả. Trong khi bà thừa biết, cửa hàng nhà mình có mấy chục mét vuông chứ có phải đại lý cấp 1 đâu mà vay đến chừng đó”.
 
Trước đó, vì khó khăn, bế tắc, người phụ nữ này đã từng có ý nghĩ dùng cái chết để giải quyết tất cả: “Mình đã có ý định chết vì nghĩ không biết ngày mai lấy gì mà sống, mà nuôi con, rồi con mình lại khổ vì mình. Một lần mình đã ngã xe trước ô tô nhưng chiếc xe đó đã kịp thời phanh lại, người lái xe con dừng xe lại nâng mình dậy còn dặn dò bụng to rồi phải đi lại cẩn thận. Bạn học cùng đại học của mình biết chuyện đã mắng mình rất nhiều. Có thể nói mình sống đến ngày hôm này là ơn bố mẹ đã sinh ra mình 1 lần nữa và cũng nhờ người bạn học cùng đại học đó”.
 
Nói về bố mẹ đẻ và anh chị em ruột đã cưu mang 2 mẹ con lúc khó khăn nhất, T.H kể: “Bố mẹ đẻ của mình đã cố gắng chắt chiu từng đồng lương để cưu mang 2 mẹ con mình. Anh trai mình làm cơ khí cho tư nhân cũng xin nghỉ 2 tuần để bán hàng lo cho mình sau khi mình sinh con. 15 ngày sau sinh mình phải ra bán hàng vì có quá nhiều chủ nợ đến nhà bố mẹ đẻ mình đòi tiền, thậm chí còn cãi lộn vì mình nói không biết và mình không có trách nhiệm phải trả. 

Mình hơn người ta có mỗi tờ đăng ký kết hôn mà đời mình quá khổ. Những khoản liên quan đến mối làm ăn thì mình cố gắng trả để tiện cho công việc. Rồi khó khăn chồng khó khăn khi một cửa hàng thiết bị y tế khác khai trương ở ngay bên cạnh cửa hàng nhà mình. Sự cạnh tranh tăng lên mà vốn của mình là con số âm. Với những nơi phải trả là mối làm ăn mình cũng xin phép cho mình trả dần dần, còn những khoản không biết thì mình cũng không thể trả được”.
 
Nếu như những phụ nữ khác mất chồng là mất đi chỗ dựa, mất đi người bạn đời thì với T.H còn phải gánh hậu quả quá nặng nề mà đến tận bây giờ chị vẫn chưa khắc phục hết: “Đã gần 4 năm nay mình vẫn quay cuồng trong nhưng khoản nợ đó mà vẫn chưa hết. Hàng hóa thì không mở rộng được thêm mà cứ phải trả nợ trong khi càng ngày càng có nhiều cửa hàng mở thêm, thu nhập của mình lại càng giảm. Nói thật, đến tận lúc này đây, mình cũng không biết cuộc sống của mẹ con mình sau này sẽ ra sao".

Cú sốc "mất tất cả" chỉ sau một đêm của người phụ nữ mang bầu 8 tháng 2
Với người phụ nữ này, con trai nhỏ chính là động lực để T.H sống và cố gắng 

Cũng may, bù lại cho người mẹ đơn thân này là con trai rất ngoan. Và T.H cứ lấy con làm động lực sống để cố gắng từng ngày: "Mình nuôi con vất vả. Bình thường cháu rất ngoan nhưng vì biếng ăn nên cũng hay ốm vặt, mà mỗi lần ốm thì không rời mẹ nửa bước. Nhiều khi thương con vì mình để bé ở nhà với ông bà ngoại cả ngày, tối mới được gần mẹ mà không làm gì được. Hai tuổi rưỡi con bắt mẹ dạy chữ, dạy số và con tiếp thu rất nhanh, nhớ lâu. Có lần con bị ngã, đau mồm không ăn được. Mình về nhà thấy con như vậy nhưng vẫn cay sống mũi khi con còn động viên mình: ‘Mẹ H đừng khóc nhé, lát Cún khỏi thôi’. Con chính là động lực để mình sống và cố gắng”.
 
Hiện với người mẹ 1 con đang phải từng ngày đối mặt với khó khăn này: “Giờ mẹ con mình sống nhờ nhà ông bà ngoại và vợ chồng anh trai chị dâu. Sống chung nói thật cũng không được thoải mái lắm nên mong ước lớn nhất của mình là vay được 1 khoàn tiền để mở rộng kinh doanh, trả hết nợ nần và tích góp được ít tiền xây 1 ngôi nhà, nhỏ cũng được để ra ở riêng và phụng dưỡng bố mẹ mình. Dẫu biết rằng ước mơ đó giờ đây là quá xa vời, xa xỉ nhưng mình vẫn luôn nghĩ về con để không chùn bước, để cố gắng. Mỗi ngày cố 1 ít hi vọng ông trời thương cho hai mẹ con luôn mạnh khỏe để mình còn cố gắng”.