Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Mối tình éo le của nàng kỹ nữ và chàng tiến sĩ

Thế kỷ 18, xã hội phong kiến vốn coi những người làm nghề ca hát là dạng "xướng ca vô loài". Không những không được trọng dụng mà những người con gái làm nghề này còn bị coi là đối tượng mua vui cho thiên hạ. Đào nương là những người dâm đãng, đồi bại, quyến rũ đàn ông, ham tiền thích của nên có tên gọi khác là kỹ nữ

Ấy thế mà trong vô số những người làm nghề "rẻ mạt" này, có một người con gái đã khiến xã hội nể trọng vì lòng tốt và tình yêu tha thiết với một người học trò nghèo. Nàng là cô đào Diễm Hương - một trong những đào nương tài sắc danh giá bậc nhất đất kinh kỳ đương thời. 

Nàng đã đem lòng yêu một người học trò nghèo ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ. Và người có may mắn ấy chính là Vũ Khâm Lân, quê ở xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. 

Chàng vốn sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng lại là người thông minh, chăm chỉ, ham học. Người xưa kể lại, chàng sống trong gia cảnh nghèo khó lại bị mẹ kế độc ác hà hiếp nên phải bỏ nhà đi. Khi đến làng Dịch Vọng (Từ Liêm, Hà Nội) thì được người thương và chu cấp cho ăn học. 

Trong khoảng 2 năm, Vũ Khâm Lân vừa học vừa làm thuê ở làng Dịch Vọng mà vẫn học hành tiến tới, trong trường không có ai là đối thủ nữa. Mùa xuân năm ấy, làng Dịch Vọng mở hội, bạn bè rủ chàng đi xem. Trai gái đến hội đều ăn mặc đẹp, riêng chàng thấy quần áo của mình xuềnh xoàng quá, nên chỉ đứng nép bên cột đình xem hát vì sợ người khác trông thấy bộ dạng cũ bẩn của mình. 

Mối tình éo le của nàng kỹ nữ và chàng tiến sĩ 1
Chàng học trò nghèo đã "trúng tiếng sét ái tình" của đào nương trong một lần tham gia hội làng (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Trong phường hát có một cô đào trẻ đẹp chừng 17, 18 tuổi tên Diễm Hương. Nàng vừa hát hay vừa múa giỏi, mỗi khi nàng cất tiếng hát người ta ném đầy tiền và lụa thưởng xuống đám chiếu chỗ nàng ngồi. Cũng giống như nhiều thanh niên trai tráng đến xem hội, Vũ Khâm Lân đã đắm đuối ngắm nhìn nhan sắc nổi bật và chăm chú lắng nghe giọng hát của Diễm Hương. 

Lúc nàng đang hát, bỗng có ánh đuốc lớn chiếu qua phía Vũ Khâm Lân đứng khiến nàng nhìn thấy chàng. Bốn mắt chạm nhau, lòng nàng xao xuyến. Ngay phút giây đó, nàng đào nương bần thần cả người không sao hát được nữa. Người đi xem hát tưởng nàng bị trúng gió đột ngột, còn người chủ đám hát phải xin dừng đêm hát lại. Chàng ra về với những ám ảnh không nguôi về người trong mộng.

Trong khi xã hội phong kiến coi chuyện tình yêu - hôn nhân là sắp đặt thì cô đào Diễm Hương lại bất chấp tất cả để chủ động tìm đến chàng trai mà nàng đã trúng tiếng sét ái tình. Khoảng trưa hôm sau, Diễm Hương đến tận chỗ Vũ Khâm Lân trọ học. 

Trong khi chàng luống cuống không biết làm gì trước mặt người đẹp thì Diễm Hương đã chủ động đặt vào tay chàng 10 quan tiền và nói: “Thiếp biết chàng khó khăn nên đến giúp chàng ít tiền gọi là để mua giấy bút học hành”. Cô đào Diễm Hương còn dặn dò: "Chỉ xin chàng sớm khuya đèn sách, gắng sức học hành".

Từ đó, thỉnh thoảng nàng lại tìm đến chỗ chàng nấu nướng, may vá cho Vũ Khâm Lân. Ngoài ra, nàng còn tình nguyện chu cấp tiền bạc hàng tháng để cho chàng theo đuổi việc bút nghiên.

Tấm lòng của người con gái vừa đẹp người vừa tốt nết đã khiến Vũ Khâm Lân vô cùng xúc động và kính trọng. Dần dần, chàng cảm nhận được tình cảm mà cô đào dành cho mình nên cũng nảy sinh tình yêu. Cứ thế, mối tình éo le giữa đào nương và chàng học trò nghèo càng ngày càng trở nên thắm thiết. 

Người ta kể rằng, kể từ khi hai người yêu nhau, thấy nàng yêu mình, đôi lần Vũ Khâm Lân còn lẻn tới chỗ nàng xin ngủ cùng nhưng nàng nhất quyết từ chối. Nàng nói: "Nếu thiếp là phường gió trăng thì thiếu gì trang phong lưu công tử theo đuổi. Xin chàng đừng coi thiếp như loại liễu ngõ hoa tường. Đời này con hát có gì là xấu, chỉ có người nghĩ xấu về họ mà thôi". 

Tình yêu chân thành và tấm lòng cao thượng của Diễm Hương khiến Vũ Khâm Lân thấy vô cùng hổ thẹn, liền xin lỗi nàng và lại càng thêm yêu nàng hơn. Tuy nhiên, sau đó nàng chỉ gửi gạo và tiền cho chàng chứ không gặp mặt nữa. 

Khoảng hai năm sau, vào kỳ thi Hội, Vũ Khâm Lân chuẩn bị về quê để tham gia kì thi. Diễm Hương đến tiễn chàng trong nỗi bịn rịn tiếc nuối. Lúc đó, chàng cũng chạnh lòng, cầm tay người con gái hỏi xin địa chỉ quê quán để sau này có dịp sẽ tìm gặp nhau. Nhưng Diễm Hương đã không cho chàng biết. Kì thi năm đó, chàng đỗ đầu cả thi huyện, thi phủ, thi tỉnh và đỗ tiến sĩ năm 1727. 

Mối tình éo le của nàng kỹ nữ và chàng tiến sĩ 2
Mối tình éo le của chàng tiến sĩ và nàng đào nương khiến không ít người xót xa (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Sau lễ vinh quy, cha Vũ Khâm Lân có ý định hỏi cưới cho chàng một người con gái con nhà gia thế. Trước cuộc hôn nhân sắp đặt của cha, chàng thành thật bày tỏ mong muốn được lấy người con gái tốt bụng năm xưa đã từng cưu mang mình và mình đem lòng thương yêu. Chàng trù trừ mãi trước đám cưới sắp đặt song cuối cùng vẫn phải vâng lời cha kết hôn với người con gái không yêu.

Được tin người yêu lấy vợ danh giá, Diễm Hương vô cùng đau lòng. Song nàng vẫn muốn một lần gặp mặt người tình cũ nên lại tìm đến chỗ Vũ Khâm Lân ở kinh đô. Đối mặt với nàng,chàng ngượng ngùng không biết ứng xử ra sao thì nàng đã nói trước: "Thiếp biết cả rồi, chẳng cần chàng nói. Tiến trình của chàng còn xa muôn dặm, thiếp hèn hạ không xứng hầu hạ khăn lược cho chàng. Đó là số phận của thiếp". Từ đó họ không có cơ duyên gặp lại nhau nữa và cô đào nương năm xưa cũng không lấy ai làm chồng.

Khoảng hai mươi năm sau, khi Vũ Khâm Lân đã là một Quận công, rồi thăng chức tể tướng, vẻ vang hiển hách hiếm người sánh bằng. Mỗi khi kể chuyện đã qua, chàng lại buồn rầu tự trách mình. Chàng đã sai người đi tìm chỗ ở của Diễm Hương khắp nơi với mong muốn chuộc lỗi nhưng vẫn không tìm được. 

Trong một tiệc hát ở nhà bạn,  tình cờ Vũ Khâm Lân gặp lại người tình xưa. Dẫu cho thời gian dầu dãi mà nét kiêu sa, đằm thắm cùng tiếng hát tuyệt kỹ của đào nương vẫn khiến người xem thổn thức. Chàng hỏi thăm về những ngày tháng đã qua của nàng thì biết mười năm trước, Diễm Hương đã lấy một viên quan võ ở trấn Thái Nguyên. 

Khi chồng chết, hai người chưa có con cái gì, nàng không biết đi đâu, chỉ còn một ít tư trang, mới lần về quê cũ. Gặp đứa em phá tan cơ nghiệp, nàng đành dắt mẹ già lưu lạc trong thành Tràng An, dựa vào các nhà giàu có, đàn hát qua ngày kiếm sống. Nghe chuyện của người xưa, chàng xót thương vô hạn, bèn đón cả hai mẹ con nàng về một nơi ở riêng, chu cấp đầy đủ. 

Hơn một năm sau, mẹ nàng mất. Lo chôn cất cho mẹ xong, Diễm Hương lại từ biệt ra đi. Bất chấp Vũ Khâm Lân hết lòng giữ lại rồi còn tặng nhiều tiền bạc, nàng kiên quyết từ chối tất cả với lý do: “Thiếp không có phúc được làm vợ tướng công, thì những thứ tiền bạc này đâu có phúc để tiêu mà nhận". Về sau, Vũ Khâm mới biết nàng là người huyện Chương Đức, xứ Sơn Nam (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Tây).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét